Tử vong nhưng không được chi trả bảo hiểm nhân thọ, tại sao?
Nhiều trường hợp bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm vì sự kiện rủi ro thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như: người được bảo hiểm (NĐBH) sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác trái với quy định của pháp luật, NĐBH tử vong do hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của mình…; hoặc không kê khai trung thực tình hình sức khỏe. Ảnh minh họa
Bảo hiểm nhân thọ chi trả 23.000 tỷ đồng trong năm 2019
Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ để dự phòng trước những rủi ro bệnh tật, tai nạn bất ngờ. Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 12.300 tỷ đồng, giúp gia đình những người tham gia bảo hiểm ổn định tài chính sau rủi ro. Trước đó, năm 2019, số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm của cả thị trường lên đến gần 23.000 tỷ đồng. Như vậy, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ được chi trả hàng năm là rất lớn.
Câu hỏi đặt ra là: những trường hợp bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm là do đâu? Phân tích các sự kiện được quan tâm trong thời gian qua, các chuyên gia cho biết, có không ít trường hợp bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm vì sự kiện rủi ro thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như: người được bảo hiểm (NĐBH) sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác trái với quy định của pháp luật, NĐBH tử vong do hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của mình…; hoặc không kê khai trung thực tình hình sức khỏe.
Mới đây, anh Đ.Đ.T tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Đông Anh, Hà Nội bị tử vong do tai nạn giao thông. Gia đình anh Đ.Đ.T làm đơn yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm nhưng bị từ chối. Theo kết luận của cơ quan công an, anh Đ.Đ.T đã điều khiển xe mô-tô không chấp hành biển báo (đi ngược chiều), vi phạm Khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ, tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định, vi phạm Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến tai nạn và không may tử vong. Thượng tôn Pháp luật và thực hiện đúng theo quy định, công ty bảo hiểm nhân thọ đã hoàn lại tổng số phí anh Đ.Đ.T đã đóng trong 3 năm tham gia. Sự việc đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều người chỉ để ý đến thông tin bị từ chối và vội vàng kết luận bảo hiểm nhân thọ “lừa đảo”.
Phân tích trường hợp này, Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga cho biết: “Theo kết luận của Cơ quan Công an, người được bảo hiểm đã sử dụng rượu bia trái quy định của Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến tai nạn và tử vong. Do hợp đồng bảo hiểm có điều khoản loại trừ - Doanh nghiệp bảo hiểm không chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu người được bảo hiểm bị tử vong do nguyên nhân sử dụng rượu, bia, ma túy, thuốc gây nghiện hoặc các chất kích thích khác trái quy định của pháp luật - nên việc Công ty bảo hiểm không chi trả quyền lợi bảo hiểm cho rủi ro này là phù hợp với quy định tại Hợp đồng bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm”.
Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rất nghiêm ngặt về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đặc biệt là việc tham gia giao thông khi có sử dụng rượu bia. Truyền thông báo chí và cộng đồng cũng đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ quy định này để người dân tuân thủ, nhằm giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tai nạn đáng tiếc có thể đã không xảy ra nếu không có hơi men. Mất đi người trụ cột chính trong gia đình, người vợ giờ đây phải chăm sóc cha mẹ già và nuôi 3 con nhỏ đang tuổi đi học. Như vậy, mặc dù đã có nhận thức về việc dự phòng rủi ro, việc không nhận được số tiền bảo hiểm lớn để hỗ trợ cho cuộc sống của gia đình trong trường hợp này là rất đáng tiếc.
Bảo hiểm nhân thọ cũng như tham gia giao thông, cần tuân thủ quy định pháp luật
Khi lưu hành trên đường, người tham gia giao thông phải tuân thủ luật giao thông. Tương tự như vậy, hoạt động bảo hiểm được quy định bởi Luật Kinh Doanh bảo hiểm và các hợp đồng bảo hiểm. Một hợp đồng bất kì đều quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hai bên. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý phê duyệt, quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của công ty bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.
Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Việc người tham gia bảo hiểm nhân thọ không được chi trả thường gây bức xúc trong cộng đồng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ cơ sở pháp lý của sự việc, quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm để tránh có cái nhìn sai lệch hoặc bài trừ bảo hiểm nhân thọ - vốn là một hình thức tích lũy và hỗ trợ tài chính rất có ý nghĩa khi rủi ro xảy ra, mà các hình thức tài chính khác bao gồm gửi tiết kiệm hay đầu tư không có được.”
Ông Dũng cũng cho biết thêm, người dân khi được tư vấn bảo hiểm, luôn có thể yêu cầu được giải thích rõ để nắm được quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của mình theo hợp đồng bảo hiểm, bao gồm được hưởng quyền lợi gì, chi trả khi nào, không được chi trả khi nào, đồng thời phải khai báo thông tin sức khỏe trung thực và định kỳ đóng phí bảo hiểm đầy đủ để duy trì hiệu lực của hợp đồng theo quy định. Người mua bảo hiểm cũng có thể gọi đến Tổng đài của công ty bảo hiểm nhân thọ để kiểm tra hoặc xác nhận về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời có thời hạn 21 ngày kể từ khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phát hành để cân nhắc lại.
Khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc rủi ro thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, như đã bị bệnh mà không kê khai trung thực trong giấy yêu cầu tham gia bảo hiểm, …v.v…, hoặc vi phạm pháp luật và gây ra rủi ro thì có thể sẽ không nhận được các quyền lợi bảo hiểm theo quy định của hợp đồng bảo hiểm. Ông Dũng nhận định việc NĐBH không được chi trả nói trên là phù hợp với các quy định của Pháp Luật.
Ngày nay, nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ ngày càng cao. Trong một xã hội phát triển, bảo hiểm nhân thọ là một “tài sản” không thể thiếu để chăm lo chu toàn cho cuộc sống. Mỗi gia đình cần có tối thiểu một hợp đồng bảo hiểm để thực hiện tiết kiệm có kỉ luật và dự phòng trước các rủi ro nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình. Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ đang nhận về không ít cái nhìn tiêu cực vì những sự việc không được chi trả đáng tiếc như trên.
Để bảo vệ và dự phòng cho gia đình của chính mình, chúng ta hãy là những người tiêu dùng bình tĩnh và hiểu biết. Như trường hợp tai nạn đáng tiếc nói trên, nếu công ty bảo hiểm nhân thọ thực hiện chi trả, thì có phải đã vi phạm Luật kinh doanh bảo hiểm và ủng hộ hành vi vi phạm pháp luật hay không?